Xem chi tiết bài viết - Xã Vĩnh Chấp - Vĩnh Linh

Tin hoạt động

Bài tuyên truyền: Những nội dung cơ bản của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023


Ngày cập nhật: Ngày cập nhật:  27/06/2024

Ngày 28/11/2023, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội nước CHXHCNVN đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Luật có hiệu lực từ 01/7/2024. Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 5 Chương, 33 Điều. Theo luật đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thành lập trên cơ sở thống nhất 3 lực lượng, gồm bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

 

 

 

Nội dung cơ bản của Luật quy định như sau:

1. Vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Tại Điều 3 quy định: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

2. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Tại Điều 4 quy định 04 nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm:

(1) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân;

(2) Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này;

(3) Đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương;

(4) Không phân biệt đối xử về giới trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

3. Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định từ Điều 7 đến Điều 12, gồm 06 nhóm nhiệm vụ:

(1) Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự;

(2) Hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

(3) Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

(4) Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội;

(5) Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở;

(6) Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.

4. Tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Tại Điều 13 quy định: Công dân Việt Nam có nguyện vọng và có các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:

- Từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã;

- Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính. Trường hợp đã chấp hành xong bản án của Tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật;

- Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học;

- Đang thường trú hoặc tạm trú từ 01 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này thì phải đang thường trú hoặc tạm trú tại nơi nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

- Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

5. Việc bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

* Về địa điểm, nơi làm việc: Điều 20 quy định, Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại địa điểm, nơi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố hoặc địa điểm, nơi làm việc của Công an cấp xã hoặc địa điểm, nơi làm việc khác phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và khả năng bảo đảm của địa phương.

* Về trang bị, phương tiện: Điều 21 quy định, Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Việc quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

* Về trang phục, phù hiệu, huy hiệu, giấy chứng nhận: Điều 22 quy định, Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị, sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ. Việc cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, quản lý, sử dụng biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

* Về hỗ trợ, bồi dưỡng: Điều 23 quy định:

- Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

- Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ. Mức hỗ trợ, bồi dưỡng được quy định như sau:

+ Khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện được hưởng bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân;

+ Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức tiền bồi dưỡng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

+ Khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng mức tiền bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

+ Khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách thì được cơ quan điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ ăn, nghỉ trong thời gian làm nhiệm vụ.

* Về chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ: Điều 24 quy định:

- Người đã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

- Người chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

- Người chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí.

- Người bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là những nội dung chính của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Khánh Vân

 

 

CÁC TIN KHÁC
Tuyên truyền ngày gia đình Việt Nam 28.6.2024 (26/06/2024)
Chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực như thế nào? (13/06/2024)
Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước (22/05/2024)
Tuyên truyền Luật đất đai 2024 (20/05/2024)
Khởi công xây dựng bia di tích, nơi thành lập Chi bộ Đảng cộng sản Lai Cách, tiền thân của Đảng bộ xã Vĩnh Chấp (20/05/2024)
Đảng bộ xã Vĩnh Chấp tổ chức Lễ trao huy hiệu Đảng đợt 19/5 (17/05/2024)
KẾ HOẠCH: Tổ chức Hội thi "Giọng hát hay Vĩnh Linh" mở rộng Chào mừng kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh (25/8/1954 -25/8/2024) và 70 năm Đặc khu Vĩnh Linh (16/6/1955-16/6/2025) (04/05/2024)
Tuyên truyền kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024 và 138 năm ngày quốc tế lao động (01/5/1886 - 01/5/2024) (28/04/2024)
Bệnh than và cách phòng chống bệnh than trên người (28/04/2024)
Khuyến cáo các biện pháp phòng chống bệnh ho gà năm 2024 (28/04/2024)

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH